CHỮ VIẾT TAY LÀ DẤU VÂN NÃO CỦA MỖI NGƯỜI
Những chữ viết mà chúng ta sử dụng mỗi ngày là một hệ thống ngôn ngữ phức tạp. Và nó được toàn xã hội sáng tạo không ngừng suốt vài nghìn năm qua. Liệu có bao giờ bạn để ý đến điều này? Sau đây, 9soul sẽ giới thiệu đến bạn một vài nghiên cứu thú vị về chủ đề này, tiếp tục theo dõi bài viết nhé.
“Viết” không phải bản năng bẩm sinh trong bộ não người
Một email cho công việc, một bức thư tình nhét trong tấm thiệp Valentine, một bài đăng với đầy bình luận trên một diễn đàn Internet… Ngày nay, hầu hết chúng ta đều là những người viết khá nhiều. Việc này diễn ra nhiều đến mức có thể ta sẽ cảm thấy hoàn toàn vô dụng nếu không có kỹ năng thiết yếu này.
Viết vừa là một hình thức thể hiện nghệ thuật vừa là một công cụ thiết thực cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Một số loại ngôn ngữ bằng lời nói có thể đã là một phần trong trải nghiệm con người kể từ lúc sơ khai của Homo sapiens. Mặt khác, viết không phải là một bản năng bẩm sinh trong kho hành vi của bộ não con người. Tất cả các nền văn hóa của con người đều bao gồm lời nói, nhưng không phải tất cả đều có chữ viết. Và thậm chí ngày nay, hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới chưa bao giờ học viết. Vì vậy sự thực thì viết là một công nghệ ngôn ngữ phức tạp chỉ phát triển trong vài nghìn năm qua.
Viết là một hành động có độ khó cao
Viết đòi hỏi sự kết hợp tuyệt vời của nhiều chức năng nhận thức cùng một lúc. Phối hợp tay-mắt, ngôn ngữ, trí nhớ, sự sáng tạo, cái nhìn sâu sắc, logic, trí thông minh không gian thị giác và tư duy trừu tượng. Đây là điều bạn chỉ có thể học được thông qua sự thực hành.
Bạn có nhớ mình đã rên rỉ trong tuyệt vọng khi giáo viên giao thêm một bài luận hoặc bài thi học kỳ nữa không? Có một lý do chính đáng cho điều đó: Viết rất khó và đòi hỏi nhiều hoạt động trí óc để hoàn thành.
Tuy nhiên, giáo viên đã làm đúng rồi đó bạn ơi, vì viết là môn thể dục mềm dẻo rất hiệu quả để phát triển khả năng của não bộ. Kết quả chụp CT não cho thấy nhiều khu vực của não hoạt động song song trong quá trình viết. Và việc này tạo ra các kết nối thần kinh mạnh mẽ để phát triển các kỹ năng khác.
Viết tay là cách viết tốt nhất cho não bộ
Các giáo viên không còn tin rằng viết lách là thứ chỉ nên diễn ra trong giới hạn của một lớp học nhân văn. Giờ đây mọi người nhận ra rằng việc viết xuyên suốt tiết học không chỉ rèn được kỹ năng viết mà còn hỗ trợ học tập tốt hơn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những học sinh viết nhiều hơn cũng học tốt hơn về khoa học và toán học. Judy Willis là một nhà thần kinh học nghiên cứu về não. Ông viết trong Lợi ích dựa trên não của việc viết đối với việc học toán và khoa học tại Edutopia như sau.
“Tập viết có thể tăng cường khả năng tiếp nhận, xử lý, lưu giữ và truy xuất thông tin của não. Thông qua viết, học sinh thấy thoải mái, dễ hiểu và ghi nhớ hơn khi đọc các tài liệu phức tạp, các khái niệm, từ vựng mới.”
Nói cách khác, viết giúp xây dựng cơ bắp của não bộ. Sau đó hiệu quả này được sử dụng cho tất cả các loại hoạt động nhận thức khác.
Trong vài thập kỷ qua, sự phát triển của máy tính và phần mềm soạn thảo đã khiến nhiều văn bản được soạn trực tiếp trên máy. Do đó, một số nơi đã ngừng dạy chữ viết tay để chuyển sang dạy kỹ năng gõ phím. Đây thật là một điều tai hại, vì viết tay là cách viết tốt nhất cho não bộ. Có một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng học sinh mẫu giáo và tiểu học dành nhiều thời gian viết tay hơn là gõ máy. Kết quả là bọn trẻ có khả năng ghi nhớ và đọc viết tốt hơn.
Ảnh hưởng tích cực của việc viết tay tới não bộ vẫn sẽ không ngừng tăng lên từ lúc đi học cho đến tuổi trưởng thành. Bộ não được ví như là một cỗ máy tạo ra ý nghĩa. Quá trình viết cho phép chúng ta kiểm tra những gì mình đã tích lũy. Ngoài ra còn giúp chúng ta hiểu về tương quan giữa chính mình với thế giới và thấu rõ hơn về tâm trí mình.
Nói tóm lại, viết lách nuôi dưỡng sự nhìn nhận lại nội tâm, dẫn đến sức khỏe tâm lý tốt hơn. Một nghiên cứu được công bố trên Annals of Behavioral Medicine cho thấy điều này. Rằng các bài tập viết nhật ký giúp mọi người xử lý cảm xúc đau buồn và căng tốt hơn so với các liệu pháp truyền thống.
Viết cũng có ảnh hưởng đến tuổi thọ của não. Một nghiên cứu trên tạp chí Neurobiology of Aging đã cho thấy mối tương quan giữa khả năng viết và khả năng phát triển bệnh Alzheimer. Nghiên cứu đã điều tra cuộc sống của 678 nữ tu, tất cả đều có lối sống tương tự nhau. Có hồ sơ chi tiết về tất cả các nữ tu và họ đều gia nhập dòng tu khi ở tuổi trưởng thành. Độ tuổi trung bình của họ vào thời điểm đó là 22. Và mỗi đối tượng đã viết một cuốn tự truyện khi tham gia vào quá trình nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã xem những cuốn tự truyện đó để đánh giá về mức độ lưu loát của ngôn ngữ cũng như mức độ phức tạp của nội dung. Chỉ 10% các nữ tu có khả năng viết tốt bị mắc bệnh Alzheimer khi còn trẻ. Trong khi đó, 80% những người có khả năng viết kém hơn đã mắc bệnh này khi về già.
Nhà thần kinh học Harvard Alice Flattery, người nghiên cứu các quá trình não tác động đến sự sáng tạo. Ông tin rằng việc viết đòi hỏi “sự tương tác đẩy – kéo giữa thùy trán và thùy thái dương”. Hoạt động quá mức ở thùy trán có thể làm thiếu đi hoạt động ở thùy thái dương, dẫn đến trí não bị phân tâm và thiếu cảm hứng. Tâm trạng và thậm chí sự thay đổi theo mùa cũng có thể ảnh hưởng đến não theo cách này.
Vượt qua sự phân tâm của não bộ khi viết
Nếu lúc đang viêt mà bạn lại cảm thấy đầu óc bị rối và phân tâm, hãy tham khảo một số gợi ý từ những người chuyên nghiệp. Nhiều tác giả nổi tiếng với những thói quen kỳ quặc khi viết. Tuy nhiên, điều đó lại có thể giúp họ vượt qua những “chốt chặn” để viết hiệu quả hơn.
Ví dụ, Maya Angelou luôn để một bộ bài gần đó để chơi solitaire. Hay việc Ernest Hemingway nổi tiếng với những con mèo bò ngang qua bàn làm việc của ông. Có thể là những “sự xao nhãng” này giúp thiết lập lại bộ não của người viết. Sự bế tắc của người viết có thể là kết quả của việc đầu óc phán xét trở nên quá ám ảnh với tính đúng đắn của những gì đang được viết. Do đó ngăn chặn các yếu tố truyền cảm hứng và thử nghiệm.
Nhà văn khoa học viễn tưởng Octavia E. Butler gợi ý thế này:
“Hãy chơi vui vẻ với ý tưởng của bạn. Đừng lo lắng về việc nó quá ngớ ngẩn, thái quá hay sai lầm. Trước tiên, hãy để sở thích và trí tưởng tượng đưa bạn đến bất cứ đâu. Một khi làm được điều đó, bạn sẽ có nhiều ý tưởng hơn để sử dụng.”
Vì vậy, một khi tìm thấy ý tưởng của mình, hãy tự hào về sự đóng góp của bạn. Viết lách là một công cụ khám phá khác của con người – một cách để biết bản thân, biết lẫn nhau và biết thế giới. Sự đóng góp của chữ viết cho sự phát triển văn hóa và công nghệ của con người là vô cùng to lớn. Mỗi thế hệ viết ra những khám phá, trí tuệ và nguồn cảm hứng của họ. Thế hệ tiếp theo đọc và xây dựng dựa trên điều đó, bổ sung vào kinh điển vô hạn về suy nghĩ và trí tưởng tượng của con người.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này! Cùng 9soul tìm hiểu nhiều kiến thức hay và thú vị hơn nữa về chủ đề giao tiếp hay tâm hồn thông qua các bài viết chuyên mục Nuôi dưỡng tâm hồn nhé!
Bạn muốn tạo ra những trang viết thật sự cảm xúc? Tham khảo ngay Khóa học Public Speaking – Thuyết phục và Cảm xúc để rèn luyện kỹ năng giao tiếp thật cởi mở và tự nhiên nhé!
Bài viết tham khảo tại: A Look at the Write Brain – Brain World