NGHỆ THUẬT GIAO TIẾP (P1):
ẤN TƯỢNG TỪ CUỘC NÓI CHUYỆN ĐẦU TIÊN

Xin chào, với phần đầu tiên về Nghệ thuật giao tiếp “Ấn tượng từ cuộc nói chuyện đầu tiên”, bài viết này sẽ đưa ra một số lời khuyên hữu ích để bạn có thể tạo được những ấn tượng đầu tiên thật tốt trong giao tiếp:
1. Mang theo bên mình một đoạn hội thoại
Nghe lạ đúng không? Việc nói chuyện là một cái hữu hình thì làm sao có thể mang theo được – nhưng đây lại chính là một mẹo hiệu quả để phá vỡ bầu không khí gượng gạo cho mỗi lần bạn muốn bắt đầu một cuộc hội thoại đấy. Hãy áp dụng để có một cuộc giao tiếp đáng nhớ nhé!
Bạn có thể giúp mọi người tiếp cận bạn dễ dàng hơn bằng cách mặc hay mang theo một đồ vật gì đó dễ gợi ra lời khen hoặc câu hỏi. Không phải là thứ gì đó quá sến súa hay xuề xòa – vì như thế người khác sẽ nghĩ bạn là một người khoa trương. Thay vào đó, hãy dùng những vật như đồng hồ, cà vạt hoặc ghim áo khác biệt một cách tinh tế hoặc áo phông hình ban nhạc, áo thun nhóm hoặc có hình chụp địa điểm/nhân vật mà ai cũng có thể yêu thích hoặc muốn biết thêm về nó. Một mái tóc mới nhuộm màu hạt dẻ, đôi giày mới hoặc chiếc ô ngày mưa cũng là những cách bắt đầu cuộc trò chuyện không thể bỏ qua.
2. Làm cho tên của bạn dễ nhớ
Trao đổi tên thường là hành động đầu tiên chúng ta làm khi gặp một người mới. Tuy nhiên thực tế sẽ có có lúc chúng ta quên tên của ai đó chỉ vài giây sau khi họ giới thiệu, đặc biệt với những người có tên khó gọi đúng không. Cho nên bạn phải làm cho người khác nhớ tên mình một cách dễ dàng.
Vì giống như khi bạn đôi khi quên tên người khác, bạn sẽ mất tập trung vào cuộc trò chuyện phải không? Chúng ta sẽ do dự hơn khi nói lại tên của họ và sẽ cảm thấy thiếu tự tin khi tiếp xúc vào lần tiếp theo. Điều này sẽ tạo nhiều rào cản để chúng ta có thể tự tin giao tiếp đấy.
Bạn cũng hãy nói tên mình rõ ràng nhé. Thật dễ dàng để quên một cái tên bởi vì sự căng thẳng của những cuộc nói chuyện nho nhỏ. Vì nhiều lúc người nghe sẽ chưa kịp chuẩn bị để nghe bạn nên họ thường đáp lại bằng “Hả?” hoặc “Bạn nói lại tên bạn là gì được không?” Do vậy, bạn cần phải nói rõ hơn và nói chậm lại. Nếu bạn đang ở một nơi ồn ào, hãy đảm bảo rằng bạn nói tên của mình với âm lượng vừa đủ.
Nếu tên của bạn là nước ngoài hoặc khác thường, bạn sẽ muốn nói nó chậm hơn và có chủ ý hơn. Carol Fleming – một chuyên gia giao tiếp, khuyên rằng bạn nên mở đầu với câu “Tên mình khá khó đối với hầu hết mọi người.” Vì “bạn đã cảnh báo họ về tên của bạn, họ sẽ nỗ lực nhiều hơn để lắng nghe nó”.
Hoặc nếu tên bạn dễ nghe, dễ nhớ thì hãy cung cấp thêm thông tin về bản thân bạn. Một phần lý do khiến mọi người khó nhớ tên là do chưa có ngữ cảnh nào kết nối ký ức với tên bạn cả. Do đó, bất cứ khi nào ai đó hỏi bạn tên là gì, hãy đưa ra một vài điều về bản thân bạn hoặc bạn muốn. Ví dụ:
“Tên mình là Hà. Mình mới tới công ty làm nên không biết mọi người thường đi ăn trưa ở đâu vậy ạ?”. “Tên mình là Minh Triết, trước đây mình làm ở bộ phận kế toán nhưng đã tạm thời được chuyển đến đây để làm việc cùng mọi người trong dự án lần này.”. Việc làm này không chỉ làm cho tên của bạn trở nên đáng nhớ hơn mà nó còn cung cấp cho người khác ước muốn hỏi về bạn và giúp tiếp tục cuộc trò chuyện.
3. Hãy trả lời đầy đủ chi tiết và cụ thể các câu hỏi của người khác
Việc đặt câu hỏi trong cuộc trò chuyện là một phản hồi tích cực mà khi đó đối phương muốn tìm kiếm thêm thông tin về bạn. Do đó, nếu bạn càng cung cấp ít thông tin khi trả lời câu hỏi của người khác, đối phương sẽ càng khó nghĩ ra câu hỏi tiếp theo hơn cho bạn và có nhiều khả năng mọi thứ sẽ rơi vào im lặng.
Bạn nói cho họ biết bạn đến từ Đồng Nai, và họ sẽ hỏi chỗ nào ngay – Biên Hòa hay từ Long Thành. Bạn nói với họ rằng bạn làm việc trong lĩnh vực tiếp thị, và ngay lập tức họ sẽ hỏi lĩnh vực bạn sẽ làm công việc gì. Bạn nói bạn là sinh viên – họ sẽ hỏi bạn học trường nào, học ngành gì vậy…
Nếu họ đặt những câu hỏi chỉ cần trả lời bằng 1 từ như: “Bạn có thích lớp học này không?” “Bạn có thích đi du lịch không?” và bạn cũng trả lời bằng một từ duy nhất – “Có” – họ sẽ không biết phải hỏi bạn tiếp theo là gì, cuộc nói chuyện sẽ dễ trở nên ngượng ngùng và dừng lại ở đó đúng không?
Vì vậy, hãy giúp đỡ mọi người bằng cách đưa ra những câu trả lời mở rộng và giàu chi tiết ngay cả khi họ hỏi bạn một câu hỏi như trên. Đừng nói đại một điều gì đó mà hãy trả lời những cái khác ngoài “Có” hoặc “Không” và đưa ra một hoặc hai câu đầy đủ. Hãy đưa ra những câu trả lời chứa những thông tin cụ thể về tên, địa điểm,… vì những điều chung chung thì cũng không ấn tượng đâu.
“Có, lớp học này rất tuyệt. Mình học chuyên ngành lịch sử nên việc tìm hiểu thêm về điện ảnh qua các thời kỳ cũng rất thú đó.” “Đúng, mình thích đi du lịch lắm. Gần đây mình vừa đi Đà Lạt và đã có khoảng thời gian tuyệt vời nhất ở đó đấy”. Và từ đó sẽ có thêm chủ đề để người khác đặt thêm hỏi cho bạn đúng không: “Bạn thấy giai đoạn phát triển nào của điện ảnh là thú vị nhất?” “Bạn thăm chỗ nào của Đà Lạt vậy? Mùa hè mà đến đó thì số dách”. Như vậy thì cuộc nói chuyện sẽ suôn sẻ hơn nhiều đúng không?
4. Mô tả công việc của bạn một cách dễ hiểu
Giống như việc đưa ra các câu trả lời chỉ có một từ sẽ tạo thành rào cản cho cuộc trò chuyện, việc mô tả công việc của bạn theo cách mơ hồ hoặc khó hiểu cũng vậy. Hỏi ai đó làm gì cũng là câu hỏi đầu tiên trong cuộc trò chuyện và nếu người kia không biết bạn đang nói gì cuộc trao đổi có thể tạm dừng ngay và luôn.
Ví dụ: Thay vì chỉ nói “Mình làm trong lĩnh vực tài chính” hoặc giải thích công việc của bạn trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm bằng nhiều từ ngữ chuyên môn cao siêu, hãy nói: “Mình đang làm trong lĩnh vực tài chính/đầu tư. Và làm việc cho một công ty đầu tư mạo hiểm, thay vì tìm kiếm các công ty khởi nghiệp công nghệ nổi nhất trên thị trường, thì mình tìm các công ty thuộc sở hữu gia đình trong các ngành khác như quảng cáo và giúp công ty mở rộng thị trường. Mình cũng đang tìm kiếm những công ty có thể phù hợp để chúng mình đầu tư hoặc mua lại nữa”.
Bạn hãy giải thích công việc của mình cho người khác, nó sẽ giúp cung cấp câu trả lời cho ba câu hỏi: Bạn làm nghề gì? Cho ai? Và làm thế nào? Khi truyền đạt thông tin này, người kia sẽ hiểu thêm về công việc của bạn và sẽ có thể dễ dàng hỏi bạn những câu hỏi tiếp theo về nó – giữ cho những cảm xúc tốt đẹp trong cuộc trò chuyện với bạn cứ tiếp tục.
Với lần gặp mặt đầu tiên lúc nào bạn cũng sẽ để lại một ấn tượng trong lòng người khác – từ mỉm cười và giao tiếp bằng mắt tốt, đến đặt câu hỏi hay và thể hiện sự quan tâm thực sự. Nên thay vì khiến người khác cảm thấy khó xử và đổ cả mồ hôi hột khi làm quen với bạn, hãy tạo điều kiện cho họ được biết về bạn trước khi họ rút lui một cách êm ấm vì thấy bạn quá khó gần để nói chuyện cùng. Điều này không chỉ nâng cao mà còn làm cho sự tương tác với nhau trở nên thú vị và thành công hơn cho cả hai bạn.
Hy vọng những cách trên có thể giúp bạn tạo những ấn tượng đầu tốt nhất về bản thân mình. ‘Đầu xui thì đuôi lọt’, khi bạn ghi được một điểm ấn tượng nào đó trong đầu người khác rồi thì để nói chuyện với họ sẽ không còn là một việc khó nhằn nữa. Cuộc giao tiếp của bạn sẽ suôn sẻ hơn nhiều lắm đấy.
Bài viết tham khảo tại: Make It Easier for People to Get to Know You – Bret và Kate McKay
👉 Bạn muốn giao tiếp, ứng xử, thuyết trình, phản biện một cách thuyết phục trong công việc và cuộc sống hàng ngày? Hãy tham khảo ngay Khóa học Public Speaking Thuyết phục và Cảm xúc!