ĐỐI THOẠI – ĐỪNG ĐỘC THOẠI

Giao tiếp là sự tương tác giữa hai hoặc nhiều bên để truyền tải thông tin, thường gồm 2 kiểu là độc thoại và đối thoại. Độc thoại – chỉ có một bên nói và bên kia nghe, còn đối thoại – vai trò người nói và nghe được hoán đổi cho nhau và là kiểu giao tiếp tích cực hơn. Vậy trong trường hợp nào ta thường mắc phải lỗi độc thoại và làm sao tránh lỗi này để đạt được hiệu quả giao tiếp? Hãy theo dõi trong bài đọc dưới đây cùng 9soul chúng mình nhé.

Trước khi bắt đầu, hãy nhớ lại những cuộc trò chuyện mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Bạn có từng nghĩ rằng, những người trong cuộc trò chuyện đó không phải lúc nào cũng cảm thấy thoải mái giống như bạn không?

Chúng ta thường tự đánh giá không được chính xác về kỹ năng giao tiếp xã hội của mình. Nên sự thực là trong vài trường hợp, rất có thể bạn đã cảm thấy những cảm xúc tuyệt vời khi trò chuyện, trong khi người khác thì lại cảm thấy khó chịu hoặc nặng nề mà bạn không hề biết. 

Và nguyên nhân cho sự bất tương xứng trong giao tiếp này thường là do một bên nói quá nhiều về bản thân và sở thích của mình. Một hành động làm chúng ta thích thú bởi vì ai cũng thích nói về bản thân mình hết! Trong khi người kia không thể nói nhiều gì về họ nên cuộc nói chuyện dần bị mất sự tương tác tương xứng giữa đôi bên.

 

Vậy đối thoại và độc thoại là gì?

 

Valerie White và (cựu khách mời podcast của AoM) và Ann Demarais, tiến sĩ tâm lý học và là tác giả của cuốn sách First Impressions (Những ấn tượng đầu tiên), đã định nghĩa “độc thoại” là hành động “buộc người khác phản ứng thay vì tương tác”. Bởi vì khi đó, một bên đảm nhận vai trò người kể chuyện/người giải trí, và bên còn lại buộc phải đóng vai trò khán giả. 

Việc làm khán giả có thể thú vị khi đó là điều ta mong đợi như khi xem phim hoặc đá bóng chẳng hạn. Nhưng việc trở thành khán giả trong các tương tác xã hội hay khi giao tiếp thì sẽ chẳng có mấy người cảm thấy thích thú vì trong hoàn cảnh đó họ sẽ phải đóng vai thụ động và dễ dàng cảm thấy buồn tẻ hoặc khó chịu.

Đối thoại là sự nỗ lực hợp tác một cách khéo léo – như một bản nhạc giao hưởng, để ai cũng thấy hài lòng khi tham gia, đóng góp và sáng tạo, chứ không hề muốn ngồi xem như một khúc gỗ rồi vỗ tay không thôi.

Và dưới đây là 04 trường hợp thường gặp được Demarais và White mô tả khi đối thoại dễ có khả năng trở thành độc thoại và cách để đảo ngược tình thế để có một cuộc giao tiếp hiệu quả:

9soul-blog-tu-tin-public-speaking

 

Trường hợp 1: Độc thoại khi thuyết trình

 

Có những lúc thuyết trình, bạn nói như chỉ có một mình mình nghe và không có bất cứ sự tương tác hỏi đáp nào từ khán giả. Đấy chính là lúc bạn đang ‘độc thoại nội tâm thành tiếng’ với khán giả của mình. Vậy dấu hiệu nào cho thấy bạn đang độc thoại và làm sao để có một bài thuyết trình ấn tượng hơn?

Bạn độc thoại khi thuyết trình như kiểu lái xe trên đường cao tốc. Bạn muốn nói với người nghe một thông tin gì đó, nhưng bạn không mong đợi nhận lại được sự phản hồi. Bạn xem người nghe như những khán giả thụ động hấp thụ kiến thức từ bạn. Lúc đó bạn hăng say chia sẻ lượng thông tin khổng lồ mà bạn nắm giữ mà không có ý muốn phanh lại. Và bạn nghĩ rằng sự im lặng của người nghe là một dấu hiệu thành công. Nhưng người nghe của bạn thật sự có thể đang cảm thấy nhàm chán và muốn ra về đấy.

Để biến việc thuyết trình thành một cuộc đối thoại, bạn hãy nói về các chủ đề mà bạn và những ai nghe bạn nói cũng quan tâm và nhớ là thay đổi cách trình bày cho khách quan hơn.

Hãy quan sát người nghe, từ cái gật đầu, ánh mắt chăm chú đến lời thì thầm như tán thưởng “Cái này thú vị đấy!” của họ. Nếu không có những tín hiệu như vậy, hãy dừng ngay cuộc độc thoại của bạn lại để xem liệu người kia có muốn tương tác hoặc có câu hỏi hay không. Nếu họ không có ý kiến gì thì đó là lúc bạn nên kết thúc và đổi sang phần khác ngay.

Ngoài ra, cách bạn giới thiệu một chủ đề cũng rất quan trọng, vì theo Demarias và White:

“Một khi bạn thuyết trình tức là bạn đang cho người khác thấy quyền sở hữu ngầm của bạn đối với các kiến thức trong bài giảng. Thay vì bạn trình bày một thông tin gì đó như kiểu đấy là ý kiến của riêng mình, do mình nghĩ ra và thể hiện rằng mình thông minh thì hãy dừng lại đi vì việc đó sẽ chỉ khiến bạn trở nên tự cao trong mắt người khác thôi. Thay vào đó, bạn hãy đề cập đến nơi bạn biết được thông tin đó như – “Tôi đã đọc một bài luận trên báo nói rằng …” – hay nguồn gốc cho ý tưởng của bạn…” Tôi đã xem một chương trình này trên TV, và sau đó nghĩ…” để thể hiện một tư duy cởi mở và tính khiêm tốn của bạn.”

Khi bạn nói, “Tôi đã nghe/ đọc về vấn đề X hôm trước rằng…”, mọi người sẽ không cảm thấy như bạn đang cố áp đặt định kiến của bạn về nó mà là bạn đang mở một cuộc đối thoại về chủ đề này, khiến họ có nhiều khả năng đưa ra những suy nghĩ của riêng họ và tham gia hơn với bạn.

 

Trường hợp 2: Độc thoại khi kể chuyện

 

Những cuộc giao tiếp hiệu quả sẽ không thiếu những câu chuyện hấp dẫn. Vậy những câu chuyện ấy nên xoay quanh chủ đề hay nhân vật nào để tránh biến bạn thành một người chỉ biết luyên thuyên trong cuộc trò chuyện?

Bạn biết mình đang độc thoại là khi mà bạn kể một câu chuyện đáng lý rất hấp dẫn nhất lại trở thành nhàm chán. Một câu chuyện hay có thể mang tính giải trí, thu hút, xây dựng và kết nối người tham gia. Tuy nhiên một câu chuyện luyên thuyên dài dòng, quá chi tiết và quá riêng tư về bạn sẽ chỉ khiến người nghe mất tập trung và đưa cuộc nói chuyện đi sai hướng mà thôi.

Để kể những câu chuyện thu hút người nghe, bạn nên tránh những chủ đề như kể về các nhân vật mà bạn biết (bà cô hàng xóm, ông bán chè ngoài ngõ…) hoặc sự việc xung quanh bạn (thằng bé kế nhà bị mẹ nó mắng, con chó nhà hàng xóm vừa mất,…)

Những câu chuyện xung quanh bạn có vẻ rất thú vị và hấp dẫn đối với bạn vì bạn hiểu ngữ cảnh của những câu chuyện đó. Còn người nghe có thể sẽ không hiểu được những cảm xúc lại đáng yêu/hài hước/bi thương như bạn cảm thấy đâu bởi vì họ đâu có trong hoàn cảnh như bạn đâu mà hiểu, đúng không.

Thay vào đó, bạn hãy kể một câu chuyện bao gồm những yếu tố chạm đến trải nghiệm chung của con người; kết nối với cuộc sống của người kia (kinh nghiệm giải quyết công việc nơi văn phòng, những tai nạn có thể gặp và cách bảo vệ bản thân,…). Tất nhiên vẫn kể ngắn gọn và đi vào trọng tâm nhé, hãy chia và kể câu chuyện thành từng phần nhỏ, quan sát xem người kia có thể hiện sự quan tâm hay không và hỏi họ những điều như: “Bạn sẽ quyết định làm gì trong trường hợp đó?” hoặc “Làm thế nào mà bạn làm được điều đó?” trước khi tiếp tục câu chuyện để tạo sự tương tác và thể hiện sự hào phóng của bạn khi cho người khác tham gia vào câu chuyện của mình.

9soul-blog-giao-tiep-thuyet-phuc-va-cam-xuc

 

Trường hợp 3: Độc thoại khi tranh luận

 

‘Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe’ – để tranh luận thành công, điều giúp bạn ghi điểm trước tiên đó là sự nhẹ nhàng của mình. Bạn càng tôn trọng và không nói lấn át người khác, càng thể hiện sự tự tin và thuyết phục của mình.

Độc thoại trong tranh luận là khi bạn quá cố gắng thuyết phục ai đó theo quan điểm của mình. Việc bạn tranh luận như thế này có thể là bình thường khi nói với bạn bè lâu năm hay gia đình hoặc với những người thích tranh luận – những người sôi nổi và hay nói… nhưng đối với những người bạn mới quen thì họ có thể trở nên phòng thủ hoặc chỉ đơn giản là khó chịu với bạn bởi vì họ không biết nhiều về bạn nên sẽ không thể hiểu được bối cảnh câu chuyện bạn nói đâu.

Để đối thoại trong tranh luận bạn không cần phải át hết tiếng nói của người khác. Hãy biến cuộc tranh luận thành thảo luận để tìm kiếm sự thật chứ không phải bày tỏ ‘Tôi đúng còn bạn sai’.

Như có một tác giả đã nhận xét:

“Khi bạn tranh luận thì bạn muốn chứng minh rằng bạn đúng, bạn không quan tâm bất cứ ý kiến gì ​​của người khác, bạn muốn người khác phải nghe thấy ý kiến ​​của bạn mà thôi. Còn khi bạn thảo luận, bạn đang tìm kiếm sự thật. Do đó, bạn nóng lòng muốn biết quan điểm của đối phương và bạn lắng nghe họ, tìm cách hiểu tại sao họ nghĩ như vậy, hiểu được quan điểm của mỗi người khác nhau và điểm chung mà các bạn cùng có là gì mới là điều quan trọng.”

 

Trường hợp 4: Độc thoại khi kể chuyện cười

 

Để giao tiếp bạn cũng cần có công cụ – đó là những câu chuyện hài hước. Một câu đùa đúng lúc sẽ giúp bầu không khí thư giãn và truyền đạt thông tin tốt hơn lời nói suông. Vậy làm sao để không biến những cuộc nói chuyện của bạn thành “show hài độc thoại” nhưng vẫn có thể dùng những câu chuyện cười để giao tiếp tốt hơn?

Có khiếu hài hước là một trong những phẩm chất quyến rũ nhất ở một người. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Hài hước ở một mức độ vừa phải sẽ tạo giai điệu cho cuộc trò chuyện, nhưng khi bạn đùa quá trớn thì nó sẽ biến thành màn trình diễn hài độc thoại của bạn. Lúc đó bạn biến thành người diễn trò và người nghe trở thành khán giả. Thay vì được tương tác, người nói chuyện với bạn buộc phải phản ứng với những câu nói châm biếm không ngừng từ bạn. Và sớm thôi họ sẽ thấy show trình diễn của bạn trở nên tẻ nhạt.

Chuyện cười như muối bỏ vào canh, nêm nếm cho vừa để chuyện cười là gia vị của một cuộc trò chuyện. Thay vì lôi mọi thứ bạn nói ra châm biếm, bạn chỉ cần bỏ nhỏ vài câu trong khi trò chuyện thôi và thể hiện sự quan tâm chân thành đến người kia là được.

Demarias và White lưu ý rằng

“Cách bạn nói về các chủ đề quan trọng hơn những lời bạn nói về nó. Bạn có thể làm cho một vấn đề đạo đức hấp dẫn trở nên nhàm chán nếu bạn chỉ thuyết trình một cách đơn giản về nó. Mặt khác, bạn có thể biến sở thích máy bay mô hình của mình thành một chủ đề trò chuyện thú vị nếu bạn nói về nó một cách vui vẻ và hấp dẫn“.

Để tránh biến các cuộc trò chuyện của bạn trở thành những cuộc độc thoại một chiều, khi trò chuyện, hãy đưa ra các chủ đề mà đôi bên đều quan tâm và có hứng thú. Trò chuyện như cách bạn đá bóng, đưa bóng qua lại với nhau – nhường lời, chuyền miếng cho nhau.

Khi bạn thể hiện rằng bạn tò mò, cởi mở và quan tâm đến trải nghiệm của người khác thì một cách tự nhiên đối phương cũng sẽ đáp lại bằng sự chia sẻ và lắng nghe bạn nhiều hơn. Lúc đó bạn sẽ tạo được một điều gì đó đặc biệt với mỗi người bạn gặp được trong cuộc sống.

9soul-blog-giao-tiep

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này! Cùng 9soul tìm hiểu nhiều kiến thức thú vị hơn nữa về chủ đề tâm hồn và giao tiếp thông qua các bài viết chuyên mục Nuôi dưỡng tâm hồn nhé!

Bạn muốn rèn luyện kỹ năng suy nghĩ và phân tích vấn đề logic hơn? Tham khảo Khóa học Public Speaking – Thuyết phục và Cảm xúc để cùng nhau học cách hệ thống hóa tư duy thật vui vẻ và hiệu quả nhé.

 

Bài viết tham khảo tại: Talk WITH People, Not AT Them – The Art of Manliness

Giỏ hàng
Không có sản phẩm trong giỏ hàng!