TÂM TRÍ ỒN ÀO VÀ VẺ NGOÀI TĨNH LẶNG: NHỮNG MÂU THUẪN CỦA NGƯỜI HƯỚNG NỘI SÁNG TẠO
Là một người hướng nội yêu thích sáng tạo, nghệ thuật như là một phần sống trong nhịp đập trái tim tôi, nhưng tôi không muốn bị ai khác nhìn thấy điều này.
Tôi luôn là một người sáng tạo, đắm chìm trong nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu, viết lách và những thứ tương tự. Được khuyến khích nuôi dưỡng niềm yêu thích vẽ từ khi còn nhỏ, cuối cùng tôi đã theo học chuyên ngành nghệ thuật studio. Đến bây giờ tôi chủ yếu tập trung vào tranh acrylic và chụp ảnh thiên nhiên.
Đối với tôi, sự yên tĩnh rất quan trọng cho trí óc sáng tạo của mình. Là một người hướng nội, tôi tự quan sát được mình sẽ “bùng nổ” trong sáng tạo như thế nào khi được ở một mình. Nhưng lúc đó tôi không ý thức được về kiểu tính cách này, và vẫn luôn cố gắng đẩy bản thân ra để hòa nhập với thế giới hướng ngoại ngoài kia. Vì vậy mà nhiều lúc tôi đã rất hụt hẫng.
Mãi đến khi tôi dần hiểu được bản chất hướng nội của mình, thì việc thoải mái phát huy khả năng sáng tạo mới được cải thiện. Trên hành trình đó, tôi đã khám phá ra khi nào — và bằng cách nào — tôi sẽ hài lòng và thành công nhất với những nỗ lực sáng tạo của mình.
Đôi khi, tôi có thể cười (hoặc thậm chí khóc) với những mâu thuẫn bên trong mình khi hít một hơi thật sâu, rồi bước ra khỏi vùng an toàn, để trình bày các tác phẩm của mình. Thành thật mà nói, tôi không ngại giữ bộ óc sáng tạo của bản thân cho riêng mình, nhưng thỉnh thoảng, có những lúc tôi ước sự sáng tạo của mình sẽ xuất hiện một cách kỳ diệu và trình diễn cho mọi người thấy! Dưới đây là 08 mâu thuẫn mà tôi đã phát hiện ra với tư cách là một người hướng nội sáng tạo.
08 mâu thuẫn của một người hướng nội sáng tạo
1. Đó là ý tưởng của tôi, nhưng được công nhận lại là người khác
Không biết đã bao nhiêu lần tôi nghĩ ra một ý tưởng, chỉ để nhờ một người bạn hoặc đồng nghiệp chạy theo ý tưởng này thay vì đặt dấu ấn của riêng tôi lên đó. Thường thì tôi cũng không bận tâm, vì tôi không bị thúc đẩy bằng việc khẳng định “cái tôi” hay mong muốn được chú ý. Ngoài ra, bạn biết mà, phải có một dịp cảm thấy thật phù hợp, những người hướng nội chúng ta mới có thể lên tiếng! Nhưng, thỉnh thoảng…
Tôi có thể không muốn giành giải thưởng cho những nỗ lực của mình, nhưng tôi muốn mình được hiểu là một cá nhân sáng tạo và ý tưởng của mình có giá trị. Bởi vì bản chất tôi là người ít nói, nên một số người đã lợi dụng bản tính này của tôi. Có thể họ không nhận ra điều đó, hoặc có lẽ họ cảm thấy như thể đang giúp tôi bày tỏ ý tưởng của mình với mọi người. Thành thật mà nói, tôi không cần ai giúp chia sẻ ý tưởng của mình. Tôi đủ thoải mái để giới thiệu nó với cả thế giới khi bản thân cảm thấy thời điểm đã thích hợp. Nếu bạn ngừng nói về nó đủ lâu, bạn có thể nghe thấy tôi cất giọng!
2. Rất vui vì bạn thích nó, nhưng tôi không thể nhận lời khen
Vì vậy, tôi đã tạo ra kiệt tác hội họa này và rất vui vì nó được người khác đánh giá cao. Tôi muốn mọi người ngưỡng mộ và được truyền cảm hứng bởi công việc của tôi. Nhưng nghiêm túc mà nói, tâm hồn nhỏ bé của tôi không thể xử lý những lời khen ngợi và tâng bốc. Thu hút sự chú ý về bản thân và ở dưới ánh đèn sân khấu không phải là điều tôi yêu thích.
Vì vậy, mặc dù tôi muốn bạn chú ý đến công việc của tôi, nhưng tôi không muốn bạn biết rằng tôi biết bạn đã chú ý.
3. Rất sẵn lòng giúp đỡ, nhưng đừng đặt tôi vào thế khó.
Tôi có nhăn nhó khi bạn nhờ vẽ giúp gì không? Có thể là do bạn đã hỏi trước mặt người khác và muốn công việc được hoàn thành ngay lập tức… và trong khi những người còn lại đang theo dõi!
Tôi thích giúp đỡ người khác và chia sẻ sự sáng tạo của mình, nhưng tư duy sáng tạo của tôi cần có thời gian để tôi xử lý. Là một nghệ sĩ hướng nội, tôi không thể nghĩ ra điều gì tồi tệ hơn việc được yêu cầu vẽ một thứ gì đó ngay tại chỗ. Hoặc được “chọn” để thực hiện một nhiệm vụ vì tôi là “nghệ sĩ” duy nhất trong phòng.
Tôi hình dung mọi thứ trong đầu và cần dành thời gian để sáng tạo nghệ thuật. Tôi phải xem xét cẩn thận các lựa chọn trong đầu, phân loại những gì phù hợp với tôi và những gì không. Xem xét đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Ồ, và tôi rất xin lỗi, nhưng tôi không thể làm điều đó theo mệnh lệnh và để bỏ mặc sự lo lắng của mình.
4. Ý tưởng thì nhiều, nhưng người khác có thể sẽ không hiểu được
Thông thường, những ý tưởng sáng tạo của tôi bắt nguồn từ những suy nghĩ và hình ảnh trong đầu, để rồi sẽ thay đổi mạnh mẽ nhất lúc tôi độc thoại tâm và giải quyết nó.
Trong đầu tôi, các chi tiết cho dự án sẽ dần trở nên hoàn hảo. Nhưng nó vẫn có thể bị phá hủy nếu tôi phải tạo ra thứ gì đó theo ý muốn của người khác. Trong khi bản thân mình không thể hiểu được sự vô tri đằng sau nó.
Để rồi sau đó trong ánh nhìn chằm chằm trống rỗng của họ thì tôi cũng chán chẳng buồn nói lời giải thích và cảm nhận của mình.
5. Nghệ thuật là một phần con người của tôi, nhưng tôi không muốn bị nhìn thấy
Là một người làm sáng tạo, đây có lẽ là một trong những điều khó khăn nhất đối với tôi. Nghệ thuật của tôi mang tính rất cá nhân, cho dù đó là một bức ảnh, một bức tranh hay một tác phẩm viết. Khi tôi nói ra, tôi lo lắng rằng những người khác sẽ không hiểu tôi hoặc là tôi đã tiết lộ quá nhiều về bản thân mình. Tôi là một người coi trọng sự riêng tư và không bao giờ muốn trở thành một cuốn sách đang mở. Mỗi tác phẩm nghệ thuật tôi tạo ra là một phần nhỏ thuộc bản thân mình mà tôi cho đi một cách thoải mái. Và đôi khi sự chia sẻ thái quá của tôi khiến tôi tự hỏi liệu mình có nên cho đi không.
6. Tôi biết giá trị tác phẩm nghệ thuật của mình, nhưng vẫn luôn trăn trở về điều đó
Nghệ thuật cần có thời gian để đầu tư suy nghĩ, và có giá trị vì nó được tạo ra bằng chính bàn tay và khối óc của mỗi người.
Tôi thường được yêu cầu định giá các buổi chụp hình hoặc bán tranh của mình, nhưng tôi thấy mình đã tự hạ thấp bản thân khi định giá. Điều này không phải vì tôi không đánh giá cao tác phẩm nghệ thuật của mình hoặc không nghĩ rằng nó xứng đáng với mức giá cạnh tranh. Tôi cho rằng vấn đề này bắt nguồn từ cảm giác bị người khác đánh giá. Thật là mâu thuẫn quá nhỉ?
7. Không, tôi không muốn, nhưng rốt cuộc thì tôi vẫn sẽ làm
Trước đây, tôi đã phải vật lộn với các ranh giới và nói không với mọi người, đặc biệt là ở nơi làm việc của tôi. Sẽ có những người tìm kiếm tài năng nghệ thuật của tôi vào phút cuối vì những điều “thực sự đơn giản”. Và những “điều đơn giản” nho nhỏ được cộng thêm rất nhiều. Tôi đã từng làm tất cả những nhiệm vụ “nhỏ” đó, nhưng điều này khiến tôi cảm thấy thật hụt hẫng. Nhất là khi tôi đặt những thứ cần hoàn thành sang một bên để làm điều gì đó cho người khác.
Chắc phải nhắc lại một lần nữa, tôi không ngại giúp đỡ người khác và chia sẻ kiến thức nghệ thuật của mình. Nhưng nhiều lúc tôi vẫn cần học kỹ năng nói “không” (dù hiện tại tôi vẫn chưa nhuần nhuyễn kỹ năng này). Áp lực công việc gia tăng và các mốc thời gian mới sẽ cản trở đầu việc ban đầu. Và nó còn gây ra nỗi lo lắng không mong muốn cho tâm trí của một người hướng nội dễ âu lo này.
Chà, tôi đã tự tạo đủ áp lực cho mình rồi, người khác thật sự không cần thêm vào nữa đâu mà.
8. Tôi muốn làm công việc đó, nhưng chờ đã: Mọi người có tham gia cùng không?
Không thể che giấu sự thật rằng tôi thích làm việc một mình hơn. Tuy vậy, đôi khi các dự án nghệ thuật sẽ có sự tham gia của mọi người, đặc biệt là những chuyến phiêu lưu chụp ảnh của tôi.
Đã có thời gian tôi tham gia rất nhiều vào việc chụp ảnh chân dung và đám cưới, nó khiến tôi kiệt sức! Chỉ đạo một buổi chụp và lặng lẽ sáng tác các bức ảnh trong khung hình của tôi là hai việc rất khác nhau. Sự lo lắng của tôi ngay trước khi chụp ảnh luôn cao ngất ngưởng! Việc tự động viên bản thân trước mỗi buổi chụp thật khó khăn. Vì thế nên bây giờ tôi rất cẩn thận khi lựa chọn công việc chụp ảnh, phải đảm bảo mình cảm thấy thoải mái.
Ngoài ra, tôi cũng thích chụp ảnh các địa điểm và tĩnh vật, hơn là tập trung vào những-sự-vật-biết-cử-động. Sự thật là tôi không bao giờ phải bảo những bông hoa của mình tạo dáng cả!
Sau tất cả, sáng tạo cho bản thân là điều quan trọng nhất
Tôi tự hào khi chia sẻ sự sáng tạo của mình với người khác, nhưng chắc chắn có một số ranh giới an toàn mà tôi đã vô tình hay cố ý đặt ra. Đôi khi, tôi có thể bị cho là khó hòa nhập khi được yêu cầu chia sẻ tài năng của mình. Nhưng tôi thực sự không cố ý. Tôi chỉ cần thời gian và không gian để xử lý các yêu cầu và tôi không ngại phối hợp với mọi người nếu điều kiện phù hợp.
Tôi thích quá trình sáng tạo nhất, đó là khi tôi có toàn quyền kiểm soát quá trình suy nghĩ, sản phẩm và kết quả. Nói cách khác, tôi thích làm việc cho chính mình. Tôi cảm thấy hài lòng nhất khi tuôn trào nguồn sáng tạo của mình bất cứ khi nào tâm trạng dồi dào cảm hứng.
Qua nhiều năm, tôi học được rằng, tôi là người hạnh phúc nhất khi sáng tạo cho chính mình. Và tuân theo các tiêu chuẩn nghệ thuật của riêng mình bằng cách khám phá sở thích của bản thân. Hi vọng ai đó thích những gì tôi đã tạo ra, muốn mua tác phẩm nghệ thuật hoặc được truyền cảm hứng từ tác phẩm của tôi. Đó thực sự là một món quà quý giá!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này! Cùng 9soul tìm hiểu nhiều kiến thức hay và thú vị hơn nữa về chủ đề giao tiếp hay người hướng nội thông qua các bài viết chuyên mục Nuôi dưỡng tâm hồn nhé!
Bạn là người hướng nội và đang loay hoay trên con đường thấu hiểu bản thân? Tham khảo ngay Khóa học Public Speaking – Thuyết phục và Cảm xúc để hiểu chính mình và ứng dụng vào thực tế một cách thú vị bạn nhé.
Bài viết tham khảo tại: 8 Contradictions of a Creative Introvert – Introvert – Dear