VƯỢT QUA CÁI BẪY SO SÁNH VỚI NGƯỜI KHÁC

Trong cuộc sống này, chúng ta dễ dàng gặp được rất nhiều người hơn mình, về một hoặc nhiều lĩnh vực nào đó. Việc so sánh bản thân với người khác là điều hoàn toàn bình thường. Tuy vậy, hiển nhiên rằng, một xu hướng luôn có một mức độ nhất định và vượt quá sẽ trở nên không lành mạnh. Cùng 9soul tìm hiểu cách vượt qua cái bẫy này với 03 lý do tại sao bạn nên ngừng so sánh bản thân với người khác.

Ở bài viết trước đây, 9soul đã cùng bạn khám phá cách vượt qua kỳ vọng của người khác. Việc “so sánh bản thân với người khác” cũng là một hành động mang áp lực lớn như vậy. Không những thế, nó có thể mang lại những tác hại tiêu cực nếu bạn không biết cách kiểm soát.

Nếu so sánh là cách bạn đánh giá giá trị của mình, bạn sẽ luôn thua cuộc. Trong trò chơi cuộc đời này, bạn sẽ không bao giờ đạt đến điểm mà bạn hơn người khác về mọi mặt. Vậy tại sao bạn lại cứ mãi muốn như thế?

Đó là cái bẫy quyến rũ nhưng cũng rất nguy hiểm về mặt cảm xúc của việc so sánh bản thân với người khác. Theo lý thuyết so sánh xã hội, chúng ta làm điều này nhằm cố gắng đánh giá chính xác bản thân. Nhưng hậu quả thì sao?

So sánh có thể là một nguồn động lực và sự phát triển có giá trị. Mặc dù vậy, nó cũng có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng thiếu tự tin và cứ thế điên cuồng chạy theo đuôi một ai khác. Sự bùng nổ của phương tiện truyền thông xã hội khiến ta dễ dàng tiếp cận với những “nguồn tư liệu” một cách liên tục. Để rồi ta dễ rơi vào tình trạng so sánh bản thân.

Việc lấy người khác làm chuẩn mực cho giá trị của chúng ta trở nên đặc biệt đáng lưu tâm. Dưới đây sẽ trình bày 3 lý do giải thích tại sao bạn nên ngừng so sánh bản thân với người khác.

 

1. Điều này đang làm tổn hại đến ý thức về bản thân của bạn

 

Mark Twain nói rằng “so sánh là cái chết của niềm vui” và khoa học đã đồng ý với nhận định này. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc so sánh tạo ra cảm giác ghen tị, thiếu tự tin và trầm cảm. Việc này cũng làm giảm khả năng tin tưởng người khác của chúng ta.

Mặc dù so sánh hạ thấp – so sánh bản thân với những người kém may mắn hơn, có thể mang lại một số lợi ích cho ý thức về bản thân của một người. Nhưng ngay cả hình thức so sánh này cũng phải trả giá. Nó đòi hỏi chúng ta phải vui mừng trước những thất bại hoặc bất hạnh của người khác để cảm thấy thỏa mãn. Điều này có thể thúc đẩy tính cạnh tranh ác ý so với sự hợp tác, ghen tuông so với kết nối. Khi so sánh khiến bạn hạ thấp giá trị bản thân hoặc người khác, bạn đã bước vào vùng nguy hiểm.

9soul-blog-co-ay-tot-va-ban-cung-the

 

2. Những gì bạn đang so sánh là thông tin không chính xác

 

Sự thực là những gì mọi người thể hiện với thế giới bên ngoài thường là phiên bản đã được chỉnh sửa của họ.

“Chồng đang khiến tôi phát điên lên, tôi cảm thấy mình như một kẻ thất bại trong công việc. Tôi thật sự chán nản cuộc sống này” – Khi ai đó hỏi bạn dạo này thế nào, bạn có thường trả lời như thế này?

Thay vào đó, bạn có thể cắn lưỡi và nói “mọi thứ thực sự tuyệt vời!”

Một nghiên cứu gần đây khẳng định rằng mọi người ít bộc lộ những cảm xúc tiêu cực hơn những cảm xúc tích cực của họ. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy mọi người có xu hướng đánh giá quá cao sự hiện diện của những điều tích cực trong cuộc sống của người khác. Trong khi họ hiểu sai hoặc thậm chí không phát hiện ra những cảm xúc tiêu cực ở người khác.

Vì vậy, không chỉ những gì đang được truyền tải là một bức tranh không hoàn chỉnh. Không những thế, chúng ta còn có xu hướng bóp méo thông tin chúng ta nhận được – một sự nhầm lẫn kép. Vì vậy, lần tới khi bạn thấy mình đang so sánh với người khác, hãy dừng lại và tự hỏi bản thân xem liệu so sánh có thực sự công bằng khi bạn không có tất cả thông tin đầy đủ hay không.

“Lý do khiến chúng ta đấu tranh với sự bất an là vì chúng ta so sánh cảnh hậu trường của mình với cảnh quay nổi bật của người khác.” – Steve Furtick

9soul-blog-tap-trung-phat-trien-ban-than

 

3. Nó không thực sự giúp bạn hoàn thành mục tiêu của mình

 

Việc đồn thổi về việc người khác trông đẹp hơn, có nhiều bạn bè hơn hoặc thành công hơn bạn vừa tốn thời gian vừa không hiệu quả. Hà khắc với bản thân thực sự làm giảm động lực và giảm khả năng hoàn thành mục tiêu.

Nếu thực sự muốn sống một cuộc sống viên mãn, bạn cần dành thời gian và sức lực tập trung cho những giá trị của bản thân. Để tập trung vào đúng chỗ, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

  • Khi bạn tưởng tượng mình ở cuối đời nhìn lại những gì bạn đã làm, đâu sẽ là những trải nghiệm và thành tựu quan trọng nhất đối với bạn?
  • Bạn muốn trở thành người như thế nào?
  • Bạn muốn có những mối quan hệ như thế nào?
  • Bạn muốn mọi người nhớ gì về mình?

Hãy sử dụng những giá trị cá nhân này làm chuẩn mực để bạn so sánh, thay vì thành tích của những người xung quanh bạn. Nhớ nhé, chỉ có so sánh với chính mình mới là sự so sánh khôn ngoan nhất trong cuộc đời này.

 

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này! Cùng 9soul tìm hiểu nhiều kiến thức thú vị hơn nữa về chủ đề tâm hồn và giao tiếp thông qua các bài viết chuyên mục Nuôi dưỡng tâm hồn nhé!

Bạn đang cảm thấy tự ti về bản thân? Tham khảo Khóa học Public Speaking – Thuyết phục và Cảm xúc để thấu hiểu bản thân và tập trung vào nội lực của chính mình bạn nhé!

 

Bài viết tham khảo tại: Why You Should Stop Comparing Yourself to Others – Huffpost

Giỏ hàng
Không có sản phẩm trong giỏ hàng!